KINH THÁNH BẢN TRUYỀN THỐNG HIỆU ĐÍNH(9+10)

Vấn đề “tôi” và “con” trong Thi Thiên

Trong Thi Thiên, ngoài những câu rõ ràng phải dùng từ “tôi” hoặc từ “con”, làm sao xác định phải dùng từ “tôi” hoặc từ “con” trong những câu khác?

Thí dụ:

Đức Chúa Trời của con ôi! Đức Chúa Trời của con ôi!

Sao Ngài từ bỏ con? (Thi Thiên 22:1)

Bản Truyền Thống Hiệu Đính dùng từ “con” là chính xác.

Thế nhưng trong Thi Thiên 27:1:

Đức Giê-hô-va là ánh sáng và là sự cứu rỗi của tôi,

Tôi sẽ sợ ai?

Đức Giê-hô-va là đồn lũy của mạng sống tôi,

Tôi sẽ hãi hùng ai?

Vì sao lại dùng đại danh từ “tôi” ở câu này mà không dùng từ “con”? Tất nhiên phải có lý do. Phải chăng chúng ta căn cứ vào cảm nhận riêng để quyết định nên dùng đại danh từ “tôi” trong câu này hoặc dùng từ “con” trong câu kia?

Rồi rắc rối xảy ra khi có những Thi Thiên trong Bản Truyền Thống Hiệu Đính dùng cả đại danh từ “tôi” và từ “con”. Thí dụ Thi Thiên 23, 40, 130, 142, …

Thí dụ Thi Thiên 23:

– Bản Truyền Thống dùng đại danh từ “tôi”. Độc giả có thể hiểu “tôi” (tức là con) thưa với Chúa, đồng thời có thể hiểu rằng “tôi” làm chứng lại cho người khác.

– Bản Truyền Thống Hiệu Đính phân chia rất rạch ròi

·         Câu 1-3: “tôi”

·         Câu 4-5: “con”

·         Câu 6: “tôi”

Nếu dùng từ “con” trong suốt Thi Thiên 23, liệu có sai không? Thế nhưng Bản Truyền Thống Hiệu Đính chỉ dùng từ “con” khi tác giả thưa với Chúa.

Cuối cùng thì dùng đại danh từ “tôi” theo Bản Truyền Thống là nhất quán và hợp lý nhất.

Trong thơ ca nói chung, các tác giả chỉ dùng một từ chỉ về mình mà thôi. Còn rành rọt câu này tôi thưa với Chúa, câu nọ tôi nói với người ta… thì còn gì là thơ nữa.

Vấn đề từ ngữ

Từ ngữ trong Bản Truyền Thống mà chúng ta bàn đến là những từ ngữ “cổ kính”, nhưng không phải là từ ngữ “cổ” không dùng nữa, cất trong bảo tàng hoặc bỏ đi. Như vậy chúng ta sẽ giữ lại những từ ngữ truyền thống còn hiểu được (không nên dùng những từ ngữ hiện đại không hợp với bản văn truyền thống) và bỏ đi những từ ngữ khó hiểu, những phương ngữ cổ,…

Dưới đây là vài thí dụ:

+ Thi Thiên 139:13

Bản Truyền Thống:

Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi,

Dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi.

Bản Truyền Thống Hiệu Đính:

Vì chính Chúa tạo nên nội tạng con,

Dệt thành con trong lòng mẹ con.

Ở đây động từ “nắn” hiệu đính thành động từ “tạo”. Nhưng trong Thi Thiên 33:15 Bản Truyền Thống Hiệu Đính vẫn giữ nguyên như Bản Truyền Thống: “Ngài nắn nên lòng của mọi người.”

“Tâm thần” theo từ điển bao gồm phần phi vật chất. “Nội tạng” theo từ điển bao gồm tim gan, bao tử, lá lách… Như vậy có thể bản Truyền Thống dịch sai nên hiệu đính. Vấn đề đáng nói là từ “nội tạng”. Có thể trong nguyên bản Kinh Thánh có nghĩa là “nội tạng” nhưng trong thơ văn chẳng ai viết “nội tạng” là “nội tạng”. Dùng chữ như vậy phá hỏng tính thơ trong thi ca. Nếu không sai về nguyên ngữ thì “nắn nên tâm thần” vẫn hay hơn và vẫn truyền thống hơn.

+ Thi Thiên 36:1

Bản Truyền Thống:

Sự vi phạm của kẻ ác nói trong lòng rằng:

Chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời ở trước mắt nó.

Bản Truyền Thống Hiệu Đính:

Tội lỗi phát ngôn trong thâm tâm kẻ ác rằng,

Chẳng cần kính sợ Đức Chúa Trời gì cả.

“Nói trong lòng” hiệu đính thành “phát ngôn trong thâm tâm” thì chẳng còn là văn chương truyền thống nữa.

+ Thi Thiên 6:5b

Bản Truyền Thống: 
Nơi Âm phủ ai sẽ cảm tạ Chúa?

Bản Truyền Thống Hiệu Đính:  Chốn âm ti ai sẽ cảm tạ Chúa?

+ Thi Thiên 16:10b

Bản Truyền Thống: Vì chính Chúa chẳng bỏ linh hồn tôi trong Âm phủ.

Bản Truyền Thống Hiệu Đính: Vì Chúa sẽ không bỏ linh hồn con trong chốn âm phủ.

Như vậy là có thêm từ mới “âm ti”.

+ Châm Ngôn 9:4a, 16a

Bản Truyền Thống:

Ai ngu dốt hãy rút vào đấy;

Ai ngu dốt hãy rút vào đây;

Bản Truyền Thống Hiệu Đính:

“Ai là người ngu dốt, hãy vào đây!”

Và nói: “Ai ngây thơ, hãy vào đây!”

Vừa giữ từ “ngu dốt” vừa thêm từ “ngây thơ”. Dù từ “ngây thơ” có hai ý nghĩa, nhưng liệu có nên hiệu đính “ngu dốt” thành “ngây thơ” không?

(Còn tiếp)

Oaktreevu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *