LÁ ẤN VÀ SỰ CUỒNG TÍN

Nghi lễ tượng trưng thành… cuồng tín

 

Một lần nữa, lễ hội khai ấn đền Trần tại Nam Định năm nay lại gây nên những bức xúc trong dư luận. Dù đã được nhiều người cảnh báo từ trước nhưng cảnh tượng nhốn nháo, hỗn loạn, thậm chí chen lấn, giẫm đạp đến ngất xỉu cũng đã xảy ra.

Theo Tiến sĩ Sử học Nguyễn Xuân Năm (Nam Định) thì đã thành thông lệ, cứ đến khoảng 23 giờ ngày 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 âm lịch, tại đền Trần, TP.Nam Định sẽ diễn ra lễ khai ấn và phát ấn. Lễ khai ấn được tổ chức lần đầu tiên là vào năm 1239, đời Trần, bắt đầu bằng các nghi thức cúng tổ tiên, sau đó vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức tước cho những người (chủ yếu là quan quân) có công. Trong những năm chiến đấu chống quân Nguyên – Mông, lễ khai ấn bị gián đoạn và được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại vào năm 1262.

Lễ khai ấn đầu năm là một nét văn hóa lâu đời và mang tính nhân văn sâu sắc. Thông qua buổi lễ, nhà vua sẽ tế lễ Trời, Đất, Tổ tiên, thể hiện lòng thành kính với đất nước, cha ông, đồng thời cũng là một “tín hiệu” nhắc nhở Tết đã hết, mọi người nên thực sự bắt đầu làm việc.

Nhiều năm trước, lễ hội đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, chừng mực. Chỉ một vài năm trở lại đây đây, lễ hội đã dần dần thay đổi, nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều người hơn. Và, lễ hội khai ấn ở đền Trần đã không còn là lễ hội của riêng Nam Định mà đã là lễ hội mang tầm quốc gia.

Một trong những nguyên nhân thu hút được nhiều người tham gia lễ hội là xin ấn. Bất kỳ ai khi đến với lễ hội cũng đều mong muốn có được một lá ấn mang về, vì họ tin rằng khi có lá ấn trong tay cũng đồng nghĩa với việc làm ăn phát tài, phát lộc và đặc biệt là sẽ được thăng quan tiến chức.

Để có được lá ấn, nhiều người đã bất chấp tất cả, sẵn sàng chen lấn, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên người khác với mong muốn tiếp cận được bàn phát ấn. Dù được xem là đức tin nhưng việc phát và xin ấn vẫn diễn ra như một cuộc mua bán. Vẫn “tiền trao ấn phát” hẳn hoi, thậm chí có người còn mua với giá rất cao, mua phải ấn dỏm, ấn giả, ấn chợ đen …

Không biết từ khi nào và căn cứ vào đâu mà nhiều người có được niềm tin sắt đá và mông muội đến vậy?

Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nhau về tính lịch sử của lễ hội khai ấn đền Trần, nhưng nếu có chăng thì cũng xuất phát từ sự mong muốn mưa thuận gió hóa, quốc thái dân an, sự biết ơn tổ tiên, những bậc tiền nhân đi trước và việc phát ấn của vua cũng là dịp ghi nhớ công lao của những người có công với đất nước.

Có lẽ trong cơn sốt lễ hội đang “tưng bừng” diễn ra trên toàn quốc, nhiều lễ hội thuần phát như lễ hội đền Trần đã dần biến tướng, thành nơi để “cầu được, ước thấy”. Nhất là nơi đây thường là nơi lui tới của rất nhiều quan chức cầu chức, cầu lộc nên “tiếng lành đồn xa”, nghi lễ phát ấn tượng trưng của lễ hội đền Trần trước đây đã dần biến thành sự “cuồng tín” với ý nghĩa thăng quan tiến chức.

Hàng ngàn người bao vây một trong các điểm bán ấn tại lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) đêm 16-2 – Ảnh: Thuận Thắng – Tuổi trẻ

Trào lưu “thương mại hóa” sự cuồng tín

Sự tín ngưỡng đã biến tướng thành mê tín dị đoan và ngày càng được thương mại hóa. Bằng chứng là số lướng ấn được “bán” ra với số lượng ngày càng tăng. Và năm nay, ước chừng có khoảng 15.000 ấn được in, chưa kể đã xuất hiện một lượng lớn ấn giá, ấn dỏm khác.

Ngoài sự cuồng tín thì do thiếu ý thức, nên con người dễ có xu hướng chạy theo tâm lý đám đông. Trong khi chúng ta đang nỗ lực bằng mọi cách khôi phục và phát huy những nét văn hóa đặc sắc với mong muốn hướng đến cái chân – thiện – mỹ thì cũng chính chúng ta lại có những hành động ngược lại, thậm chí phá hỏng đi những bữa tiệc văn hóa đầy tính nhân văn.

Hành động cướp hoa trong lễ hội hoa ở Hà Nội và hành động cướp ấn tại lễ hội đền Trần phản ánh một sự thật- đó là hành vi phản văn hóa mang tính phổ biến.

Bên cạnh đó, do thấy được nhu cầu quá lớn của người xin ấn, nên ban tổ chức lễ hội đền Trần năm nay đã mắc một sai lầm lớn khi cố tình đáp ứng nhu cầu này, thực chất là “kinh doanh”, nhân danh tập tục tín ngưỡng của ông cha để lại. Ban tổ chức đã cố ý tiếp tay cho tình trạng mê tín dị đoan diễn ra xung quanh lễ hội.

Không riêng gì lễ hội đền Trần mà rất nhiều lễ hội khác giờ đây, nét văn hóa truyền thống đã bị “thương mại” hóa, được tiếp thị công khai vì lợi nhuận.

Trong cuộc sống hằng ngày, bất kỳ ai cũng đều cần có niềm tin. Niềm tin để sống, để vươn lên, để phát triển, để làm rạng danh cho bản thân, cho gia đình và cho đất nước. Nhưng niềm tin phải được kết hợp với sự lao động, sáng tạo, với mồ hôi, nước mắt, với sự nỗ lực không ngừng, mới mong có kết quả tốt đẹp. Và tất nhiên, lá ấn đền Trần không phải là lá bùa hộ mệnh, là cứu cánh cho sự thịnh vượng và thành công của riêng ai.

Vậy mà niềm tin vào lá ấn vẫn mãnh liệt và ngày càng ghê gớm. Niềm tin ấy có trở thành hiện thực hay không thì chưa được kiểm chứng, tuy nhiên có một điều chắc chắn, khi quá tin vào những điều không thực tế, cũng chính là biểu hiệu sự cuống tín, gây bất an cho xã hội.

Phó thủ tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân Khai Ấn!

Tác giả: Minh Quân

Theo vietnamnet.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *