LỜI NÓI

Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào. (Cô-lô-se 4:6)

Người xưa dạy: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Ăn, nói, gói, mở là những chuyện rất bình thường nhưng rất quan trọng. Ai ai cũng cần phải học. Ông Phao-lô từng nêu lên hai nguyên tắc chính trong lời ăn tiếng nói của người Cơ Đốc.

1. Lời nói có ân hậu theo luôn (Yêu thương trong lời nói)

Đây là nguyên tắc yêu thương trong lời nói. Lời nói bộc lộ tấm lòng của con người. Lời nói ân hậu, lời nói nhân từ phát xuất từ tấm lòng yêu thương, rộng lượng.

Thường thường trong hoàn cảnh dễ chịu, và đối với người chúng ta ưa thích, chúng ta nói cách nhẹ nhàng đầy tình thương. Nhưng ở đây ông Phao-lô khuyên chúng ta luôn luôn sử dụng nguyên tắc yêu thương trong khi nói.

2. Lời nói nêm thêm muối (Khôn ngoan trong lời nói)

Đây là nguyên tắc khôn ngoan trong lời nói. Ông Phao-lô khuyên phải nêm thêm muối trong lời nói. Nếu cần nêm một chút muối vào thức ăn cho hương vị đậm đà thì nói cũng cần thêm “muối” để người nghe có thể chấp nhận, nói cách khác là cần nói sao để có tác động tốt đến người nghe. Đây có thể là “muối khử trùng”, “muối làm cho sạch”, làm cho lời nói tinh sạch, thuần khiết. Lời nói nêm một chút muối có thể đem lại nguồn an ủi, xoa dịu những nỗi đau nơi người nghe.

3. Hiệu quả

Người biết vận dụng nguyên tắc yêu thương và khôn ngoan trong lời nói sẽ biết cách đối đáp trong mỗi trường hợp.

Miệng hay đáp giỏi khiến lòng vui vẻ

(Châm Ngôn 15:23)

Cả người cùng niềm tin lẫn người không cùng niềm tin chẳng những cần nghe những lời nói ích lợi, những lời nói trung thực của chúng ta mà còn cần cảm nhận tình yêu thương và sự khôn ngoan qua những câu chúng ta nói.

Oaktreevu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *