NHỮNG “BÔNG HỒNG THÉP” TIẾP LỬA SÀI GÒN ĐÁNH BAY DỊCH COVID- 19

NHỮNG “BÔNG HỒNG THÉP” TIẾP LỬA SÀI GÒN ĐÁNH BAY DỊCH COVID- 19

Phụ nữ Việt Nam luôn mang những phẩm chất cao quý mà Bác Hồ đã trao tặng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”. Ở bất kỳ vị trí nào, người phụ nữ cũng phát huy được vai trò, sức mạnh, và sứ mệnh vốn có của mình.

Tinh thần ấy càng rõ nét hơn suốt thời gian qua khi dịch bệnh lần thứ tư bùng phát khắp cả nước, trong đó có TPHCM. Những người phụ nữ dũng cảm là các y bác sĩ, doanh nhân đã gạt bỏ hạnh phúc riêng tư, quyết định xông pha vào tâm dịch khi đất nước và người dân cần.

Trong thời gian qua chúng ta bắt gặp rất nhiều những hình ảnh đẹp của các “thiên thần áo trắng” ra sức giành giật lại sự sống cho biết bao nhiêu người. Họ chính là những “bông hồng thép” giữa thời bình.

Khi Tổ quốc gọi chúng tôi luôn sẵn sàng!

Câu nói đầy quyết tâm ấy đến từ nữ bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Nhung – Giảng viên, Học viện Y Dược Học Cổ Truyền Việt Nam. Chia sẻ về quá trình chống dịch chị cho biết: “Trước khi tham gia chống dịch tại TPHCM, tôi đã từng có thời gian tham gia chống dịch tại tỉnh Bắc Giang. Thật tự hào vì tôi là 1 trong 37 thành viên của “Biệt đội săn COVID-VUTM” tại Bắc Giang. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Bắc Giang trở về Thủ đô cách ly thì hay tin TPHCM dịch bùng lên dữ dội. Trước tình hình đó tôi cùng đoàn công tác đã bày tỏ mong muốn được vào chi viện cho TPHCM. Đoàn công tác số 1 của Học viện gồm 239 thành viên do Ts.Trần Anh Tuấn làm trưởng đoàn cùng 11 cán bộ giảng viên làm nhiệm vụ dẫn đoàn đã đến TPHCM ngày 21/7. Tôi được phân công nhiệm vụ hỗ trợ huyện Củ Chi từ 21/7 đến 16/9. Sau khi huyện Củ Chi khống chế được dịch thì mình tiếp tục nhận nhiệm vụ tại quận Bình Tân cho đến ngày về Hà Nội”.

Bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Nhung, Giảng viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.

“Trong những ngày tháng ấy tôi rất hạnh phúc khi cùng đoàn cứu chữa được nhiều bệnh nhân. Sự quan tâm từ gia đình, đồng nghiệp đặc biệt và Học viện dành cho các thành viên đoàn là điểm tựa vững chắc cho chúng tôi. Đồng thời, sự dìu dắt chỉ bảo tận tình của các thầy các cô giúp tôi luôn ý thức được sứ mệnh cao cả của người mang tấm áo blouse trắng và tự tin khi xung phong vào nơi khó khăn nguy hiểm nhất. Những khó khăn về khoảng cách địa lý hay sự khác biệt về văn hóa vùng miền đều trở thành chuyện nhỏ. Quan trọng hơn là chúng tôi có thể giành giật lại sự sống cho bao nhiêu bệnh nhân và khi nào dập xong dịch bệnh nhanh nhất có thể!”, bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Nhung nhấn mạnh.

Mặc dù phía sau còn gánh nặng gia đình nhưng nữ bác sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Trưởng khoa Y Học Cổ Truyền, Phục Hồi Chức Năng bệnh viện 71TW cũng đã quyết định lên đường vào nam chống dịch. Chia sẻ về khoảng thời gian giành giật sự sống cho bệnh nhân từ lưỡi hái tử thần vừa qua, chị cho biết: “Tham gia chống dịch từ ngày 14/7, tôi lên đường vì lòng yêu nghề và vì chứng kiến các đồng nghiệp vất vả trong bộ quần áo bảo hộ khiến lòng tôi không chút nào yên. Ban đầu, khi thấy trong đoàn có một mình là nữ tôi có một chút do dự nhưng rồi đã gạt ngay ý nghĩ đó và nhận lệnh lên đường. Những ngày đầu tôi gặp chút khó khăn trong công việc vì lớn tuổi, mắt kém phải đeo kính lão và còn mặc bộ đồ bảo nhiều lớp nhưng sau đó được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp tôi đã từng bước vượt qua thực hiện tốt nhiệm vụ của mình!”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó trưởng khoa YHCT PHCN BV 71 TW

“Khi tôi tới TPHCM gặp đúng thời điểm số ca bệnh tăng từng ngày. Dưới sự hướng dẫn tận tình của các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Gia Định, tôi đã dần vượt qua các khó khăn trong công tác. Có những kỉ niệm khó quên nhất trong suốt thời gian làm việc đó là được nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh và bình an ra viện. Một bệnh nhân từng bày tỏ tình cảm mộc mạc mà chân thành : “Con ơi cho cô ôm con một cái chụp với cô tấm hình!” khiến tôi không bao giờ quên”.

TS, bác sĩ Đặng Bích Thủy, Phó Trường đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Y Dược Thái Bình

Gánh trên vai trọng trách Phó trưởng đoàn Đại học Y Dược Thái Bình lên đường vào TPHCM, sau 75 ngày chiến đấu với dịch cùng đoàn công tác 340 thành viên, TS.BS Đặng Bích Thủy nhớ lại: “Thực sự đó là quãng thời gian không bao giờ quên của tôi và tất cả các y bác sĩ khác. Trước lưỡi hái của tử thần, trước ánh mắt nhiều khi đến tuyệt vọng của những người sắp lìa xa nhân thế và cũng có khi mất trước sự cố gắng hết mình của chúng tôi. Đó là những nỗi đau mà tôi sẽ mãi không quên. Rồi có lúc chúng tôi lại hạnh phúc và vui mừng khi cứu chữa thành công các bệnh nhân. Những cái ôm, lời cảm ơn của họ như một liều thuốc để tôi vững vàng và kiên cường hơn!”.

TS, bác sĩ Đặng Bích Thủy (đứng thứ 3 từ trái qua), nhận khen thưởng trong công tác phòng chống dịch tạiTPHCM

Được biết, trong suốt thời gian công tác tại đây đoàn Đại học Y Dược Thái Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, hỗ trợ TPHCM khống chế dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng và trở lại trạng thái bình thường mới. Thành quả trên còn có chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế phường tại Quận 11 cùng Hội đồng hương, Hội cựu sinh viên Y Thái Bình tại miền Nam,… cùng góp công thực hiện.

Bất chấp hiểm nguy các nữ doanh nhân quyết xông pha chống dịch

Trước diễn biến của dịch bệnh đe dọa từng ngày cuộc sống và tính mạng của mọi người, trong đó có cả người thân của mình, các nữ doanh nhân đã không ngần ngại xông pha “Tiếp lửa cho tuyến đầu” và tiếp sức cho người dân vùng tâm dịch nhất là những người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

DN Phạm Thị Hồng Hạnh luôn hăng hái và tinh thần không mệt mỏi trong suốt quá trình chống dịch

Là một trong những người có thời gian tham gia chống dịch lâu nhất kể từ khi TPHCM bùng dịch, chị Phạm Thị Hồng Hạnh – người sáng lập và điều hành Quỹ Chia Sẻ Yêu Thương bộc bạch: “Tôi không nhớ ngày tháng nào mình bắt đầu làm thiện nguyện. Chỉ nhớ sau khi sinh con gái tôi đã lập Quỹ Chia Sẻ Yêu Thương năm 2008. Sau khi lập Quỹ, ngoài việc kết hợp cùng mọi người, đa phần một mình tôi chinh chiến. Sức lực, kinh phí tới đâu thì tôi làm tới đó. Năm nay được xem là năm tôi hoạt động nhiều nhất trên mọi mặt trận, từ hỗ trợ tuyến đầu, tới cứu trợ bà con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cụ già neo đơn trong trại dưỡng lão, người tàn tật khu vực TPHCM, bệnh nhân ung thư điều trị tại nhà, sinh viên bị kẹt lại thành phố, người lang thang cơ nhỡ,… Trong suốt thời gian qua tôi đã hỗ trợ vận chuyển vật tư y tế, thuốc men, nhu yếu phẩm tới tất cả các bệnh viện và bệnh viện Dã Chiến điều trị COVID- 19. Ngoài ra, tôi còn phát hàng chục nghìn phần quà bao gồm nhu yếu phẩm, suất ăn, quà Trung Thu cho các bé. Tôi nghĩ rằng chào đời với đôi bàn tay trắng, tới khi lìa đời cũng vẫn đôi tay ấy nên trong suốt những năm qua đã trích 1 phần lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh cho việc làm này!”.

DN Phạm Thị Hồng Hạnh nhận khen thưởng từ Quận đoàn Bình Thạnh trong công tác phòng chống dịch

“Vào cuối tháng 5 tôi được ông xã chở theo phát lương thực ở khu cách ly Cần Giờ, sau thì bệnh viện Dã Chiến quận 7, sau đó là các khu phong tỏa cung cấp thuốc cho F0. Tôi đã chứng kiến các y bác sĩ (YBS) các em tình nguyện viên (TNV) cùng các chốt chặn ăn những suất cơm nguội và thiếu dinh dưỡng nên rất thương. Sau đêm hôm đó tôi không ngủ vì hình ảnh người tuyến đầu thiếu thốn nhiều thứ khi chiến đấu với dịch bệnh. Tôi quyết định nhờ ông xã liên lạc với Trung ương Đoàn để hỗ trợ thêm hậu cần phục vụ cho tuyến đầu. Sau đó, tôi lập tức đề nghị ông xã cho phục vụ group Tôi Yêu Sài Gòn, bếp ăn cứu trợ mùa dịch 0 đồng. Những ngày đầu mỗi ngày phục vụ tới hơn 500 phần ăn. Từ tháng 6 trở đi chúng tôi tập trung phục vụ ăn uống cho các YBS và TNV liên tục không ngừng nghỉ đến hết ngày 1/10. Quãng thời gian ấy tuy có vất vả, phải làm từ 6h sáng đến 9h tối nhưng mỗi lần nghĩ đến niềm vui của mọi người khi được ăn những suất cơm nóng hổi do mình nấu thì tôi lại có thêm thật nhiều động lực để vượt qua. Khó khăn có là gì khi mình góp một phần nhỏ cho công cuộc chống dịch!”. Đó là tâm sự của chị Huỳnh Thị Minh Thư, phụ trách bếp ăn 0 đồng trong suốt gần 4 tháng.

Chị Huỳnh Thị Minh Thư, người ngày đêm chuẩn bị các suất ăn phục vụ tuyến đầu

“Hàng ngày, ngoài công việc tôi còn dành thời gian chăm lo cho 3 bé đang tuổi ăn tuổi ngủ. Nhưng khi số ca mắc cứ tăng lên đến chóng mặt, rồi bao nhiêu gia đình mất người thân vì dịch thì lòng tôi lo lắng không yên. Rồi tôi suy nghĩ cần phải làm gì đó ngay lúc này cho Sài Gòn thân thương đang đối mặt với đại dịch. Động lực càng thôi thúc tôi hành động quyết liệt khi thấy các em bé ngoài kia, rồi nhìn con mình. Mong muốn lúc này của tôi là có thể dùng phần sức nhỏ bé của mình, mang lại cuộc sống bình thường cho các con, để các con được vui cười, gặp bạn bè, đi học lại. Đúng lúc ước nguyện ấp ủ ngày càng lớn dần tôi có cơ duyên quen biết với 1 anh bạn bác sĩ điều trị cho bệnh nhân F0 và một người em làm việc ở nhà thuốc hỗ trợ thuốc giá tốt cho bệnh nhân. Điều đặc biệt hơn nữa là đã quen biết được anh Nguyễn Văn Kiêm ngày đêm tất bật lo lắng cho bà con mình. Có khi thấy 12h đêm mà mà vẫn còn rong ruổi khắp nơi ở quận Tân Phú… Thế là tôi quyết định rong ruổi khắp nơi phát thuốc cho các bệnh nhân F0. Những ngày đầu phát thuốc, từ vài chục phần thuốc rồi có ngày lên đến đỉnh điểm 3000 phần thuốc. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi nhận được những lời cảm ơn của rất nhiều người được mình hỗ trợ vượt qua đại dịch!” – chị Hồng Nghĩa trải lòng.

Chị Hồng Nghĩa người ngày đêm phát thuốc cho các bệnh nhân F0

Mạnh mẽ, quyết đoán, và tự chủ là tất cả những phẩm chất của các chị em phụ nữ trong thời hiện đại, kế thừa và phát huy tinh thần dũng cảm, dám nghĩ, dám làm của cha ông thế hệ trước. Cuộc chiến chống COVID- 19 của TPHCM đang dần đến hồi kết khi những ngày qua ghi nhận số ca mắc mới ngày càng giảm xuống liên tục. Thành công ấy là cả một quá trình đánh đổi bằng nước mắt, sự hi sinh, nỗi đau quặn lòng khi chứng kiến người thân ra đi vì dịch bệnh.

Xin cảm ơn những “bông hồng thép”, những người phụ nữ tuyệt vời. Sự đóng góp hi sinh của các chị đã giúp TPHCM từng bước đẩy lùi dịch bệnh và bước vào cuộc sống “bình thường mới”.

Phạm Lê Nhân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *